Thông tin tuyên truyền

CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN ỨNG XỬ VỚI MẠNG XÃ HỘI NHƯ THẾ NÀO?

05/09/2023 16:27 154 lượt xem

Cán bộ, đảng viên ứng xử với mạng xã hội

Kỳ 1: Đảng viên phải thực hiện nghiêm quy định những điều đảng viên không được làm!

Thời gian qua, với sự phát triển ngày càng rõ ràng của mạng internet, nhiều đảng viên đã sử dụng các trang blog, mạng xã hội… để đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin, hình ảnh thể hiện quan điểm, ý kiến của mình. Có thể nói, đây là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của việc tự do, dân chủ đang ngày càng được mở rộng và phát huy ở xã hội ta, bởi cùng với những người khác, các đảng viên có thể bày tỏ chính kiến, nguyện vọng, suy nghĩ của mình cũng như đưa các đề xuất, giải pháp về nhiều vấn đề của xã hội, của đất nước, kể cả của Đảng.

Tuy nhiên, trong số này, có một số đảng viên đưa ý kiến, chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, hoặc sai lệch hoặc có dụng ý cá nhân không lành mạnh, kể cả có người đang công tác ở các cơ quan của Đảng, của chính quyền. Chẳng hạn, có đảng viên liên tục đưa các thông tin không được kiểm chứng trôi nổi trên internet về một số vị lãnh đạo của Đảng và đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có ý kiến, phải giải thích rõ ràng. Trên thực tế, thông tin trên internet gần như thượng vàng hạ cám gì cũng có, với rất nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc Đảng, Nhà nước, các vị lãnh tụ và các vị lãnh đạo của nước ta, trừ những trường hợp thật cần thiết, còn lại không ai rỗi hơi đi giải thích, phản bác từng vụ việc. Bản thân đảng viên nói riêng và người đọc nói chung có thể dùng hiểu biết, nhận thức của mình để tự xác định thông tin nào là đúng, thông tin nào là bịa đặt, xuyên tạc. Nếu không rõ đúng sai, hay dở mà đã dẫn lại, phát tán, yêu cầu giải thích… thì đó là thái độ không đúng mực, thậm chí sai trái, của đảng viên.

Có đảng viên nhân danh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đã cắt xén ý kiến, bài viết của người khác, nhất là của các vị lãnh đạo, rồi công kích, phản bác, thậm chí có “thách” vị lãnh đạo đó có ý kiến phản hồi. Thoạt nhìn, điều này tưởng như là một thái độ dũng cảm, tích cực của đảng viên đó, thể hiện sự thẳng thắn và hiểu biết khi mạnh dạn phản biện ý kiến của lãnh đạo, nhưng thực chất trong nhiều trường hợp, các ý kiến này chỉ là những phản đối lụn vụn, thiếu cả kiến thức lẫn tư duy chiều sâu. Do đó, những đảng viên này hoặc là “thích chơi nổi”, làm những việc cho những người thiếu hiểu biết thấy là mình giỏi giang, dũng cảm, để rồi được tung hô, hoặc là kiểu người “điếc không sợ súng”, nói quấy nói càn, bất kể đúng sai…

Có đảng viên vì thiếu thông tin, hoặc cố tình cắt xén thông tin, đã chộp được một số thông tin, ý kiến nào đó rồi suy diễn một cách phi lý hoặc có dụng ý xấu, từ đó thực hiện việc công kích đến tổ chức, cá nhân một cách vô tội vạ. Có trường hợp, tổ chức, cá nhân được phân công thực hiện những công việc nào đó theo yêu cầu, một đảng viên đọc được, không hiểu mô tê thế nào, cứ cho là đang nhắm đến mình (kiểu vĩ cuồng rằng bản thân là một thực thể rất quan trọng nên được nhiều người để ý đến lắm, cả hướng tích cực lẫn tiêu cực!) rồi lên trên trang của mình chửi đổng, làm bạn bè trong friedlist nháo nhào lên, rồi bình loạn đủ thứ…

Có đảng viên thể hiện sự vô trách nhiệm rất đáng trách khi đăng những thông tin chưa được kiểm chứng rồi để người khác vào bình luận những ý kiến sai trái, mang thái độ hằn học, xuyên tạc, suy diễn sai lầm. Thậm chí, có trường hợp, đảng viên cố tình đăng ý kiến úp mở để “dẫn dụ” người xem bình luận những lời mà có lẽ chính người đăng muốn nói, để nhắm vào những cá nhân nào đó. Đây là kiểu “mượn gió bẻ măng” của không ít người, khi bản thân không tiện nói điều mà ai cũng thấy là không có căn cứ, nhưng lại “khéo khêu gợi” người khác nói thay, để nếu có ai thắc mắc thì “phủi tay” là do “người khác nói chứ không phải tôi!”.

Những biểu hiện đó rất đáng phê phán.

Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, Trung ương đã ban hành Quy định số Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 “Quy định về những điều đảng viên không được làm” với 19 điều cụ thể, rõ ràng. Ngày 29/11/2021 , Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW, nêu chi tiết về những điều đảng viên không được làm. Đảng viên ở các trường hợp có biểu hiện như trên, có thể thấy đã vi phạm rất nhiều điểm trong các quy định này. Ở đây chỉ xin phân tích vài điểm:

Khoản 3 Điều 1 về “Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép” đã nêu: Đảng viên không được “Làm những việc pháp luật cấm hoặc pháp luật chưa quy định khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.”. Điều này rất rõ ràng, khi đăng tải, dẫn lại, chia sẻ các thông tin mập mờ, có thể không vi phạm rõ ràng vào một điều khoản nào của các luật, nhưng từ đó làm người đọc có cái nhận sai lệch về bản chất của sự vật, hiện tượng. Chẳng hạn, nếu đảng viên nào đó chỉ đăng các vụ tiêu cực trong xã hội từ báo chí, dù không có lời bình luận nào, thì người đọc cũng hiểu rằng người đăng đã có một dụng ý nhất định, nhằm phê phán sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, trong khi trên thực tế, các việc tốt và chưa tốt đan xen nhau chứ không phải chỉ có việc xấu. Hay đảng viên chỉ dẫn lại các ý kiến được cho là không phù hợp của các vị lãnh đạo, dù không bình phẩm gì thêm thì cũng khiến người đọc nhận xét về trình độ, năng lực, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, trong những trường hợp đó là cá biệt…

Khoản 1 Điều 4 quy định đảng viên không được “Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, chia sẻ, đăng những thông tin, tài liệu mật được quy định tại danh mục bí mật của Đảng và Nhà nước; những việc chưa được phép công bố theo quy định, làm tổn hại đến Đảng, lợi ích quốc gia (gồm: những thông tin, tài liệu, dữ liệu thuộc về chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của Đảng, Nhà nước đang trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo hoặc đã hoàn thành nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép công bố; các tài liệu lưu hành nội bộ hoặc hạn chế lưu hành. Các tài liệu, thông tin về những vụ việc liên quan đến tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đang trong quá trình thẩm tra, xác minh hoặc đã được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, kết luận nhưng chưa được phép công bố...)”. Trong phần lớn các trường hợp, các loại tài liệu mật ít khi được công bố do việc bảo quản khá nghiêm túc thì nhiều tài liệu nội bộ lại được tung ra với những dụng ý sai trái, tiêu cực. Có tài liệu thuộc về sinh hoạt trong tổ chức đảng, có tài liệu liên quan đến lý lịch cán bộ, đảng viên, có tài liệu trao đổi công tác trong nội bộ tổ chức… nhưng vẫn được đưa ra công khai cho nhiều người biết. Đó là một biểu hiện vi phạm kỷ luật thông tin rất cần xử lý nghiêm khắc.

Hay một trong nhiều nội dung của khoản 1 Điều 5 đã quy định đảng viên không được “Viết bài hoặc cung cấp tài liệu cho người khác viết, nói, cho đăng tải tin, chia sẻ tin bài, hình ảnh sai sự thật, không đúng thực tế hoặc không đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vu cáo, bịa đặt những nội dung liên quan đến vụ án hoặc tùy tiện quy kết về tội danh, mức án trước khi tòa án ra phán quyết; đăng tin sai nhưng không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định.” tức là bịa đặt hoặc dẫn lại từ thông tin không có thật hoặc nêu các thông tin không được kiểm chứng, hoặc thông tin đã bị cắt cúp làm cho sai lệch bản chất vốn có. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc đưa các thông tin này cũng không nên, kể cả có dụng ý tốt, bởi nó sẽ làm người đọc hiểu sai vấn đề, nhận thức lệch lạc so với thực tế, từ đó có thể có hành động không phù hợp. Nếu có dụng ý sai trái, thì các thông tin không đúng đó sẽ dẫn dắt người khác đi đến hành động sai lầm, gây ra hậu quả tai hại…

Tùy theo mức độ, tính chất của từng trường hợp đưa thông tin lên internet, mạng xã hội của đảng viên để có thể đánh giá về hành vi này. Nếu vì ngộ nhận, vì thiếu thông tin, vì cả tin… mà thỉnh thoảng đưa các thông tin sai trái như trên thì đó có thể là sự nhầm lẫn, vô ý, nhưng cần phải được giáo dục, uốn nắn kịp thời, cần được tổ chức đảng giám sát chặt chẽ để tránh tiếp tục lặp lại. Nhưng nếu đưa thông tin, bài viết thường xuyên, có hệ thống và có dụng ý rõ ràng thì đây là một biểu hiện của suy thoái về tư tưởng, chính trị, cần được giáo dục nghiêm khắc, trong nhiều trường hợp cần phải dùng kỷ luật của Đảng để xử lý, thậm chí nếu có căn cứ phù hợp, có thể chế tài bằng các quy định của pháp luật.

Là đảng viên, mỗi người cần có trách nhiệm xây dựng tổ chức của mình ngày càng phát triển, trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt vai trò, chức trách được giao, đồng thời luôn chú ý gìn giữ uy tín, thanh danh cho tổ chức. Những cá nhân đảng viên có động cơ không lành mạnh, làm ngược lại điều đó thì cần thiết cho ra khỏi tổ chức!

Kỳ 2: Những điều lưu ý khi sử dụng mạng xã hội

Đối với một số người, sử dụng mạng xã hội chỉ là “chơi thôi”, nhưng trong cuộc chơi này, không phải là hoàn toàn vô bổ, cũng như không phải hoàn toàn vô hại. Vì thế, người sử dụng cần phải hết sức thận trọng. Là cán bộ, đảng viên thì lại càng phải thận trọng hơn.

Chớ cả tin với những gì đọc được trên mạng xã hội

Mạng xã hội có chứa tất cả những gì được gọi là “thượng vàng hạ cám”. Ở đó, có những thông tin, hình ảnh, video… quý giá mà chúng ta vô tình “nhặt được” từ bạn bè của mình, từ đó có thể cung cấp cho chúng ta những tư liệu hay hoặc gợi mở để chúng ta tiếp tục tìm hiểu và tìm thấy những thông tin cần thiết, có ích. Chẳng hạn, có thể rất tình cờ, chúng ta nhìn thấy các clip trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng tiếng Pháp, sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về sự uyên bác, về phong thái đĩnh đạc, về sức thuyết phục của Bác và Đại tướng, từ đó thêm lòng yêu kính các vị ấy hơn, để chúng ta càng vững niềm tin về tương lai của cách mạng Việt Nam, để chúng ta có thêm quyết tâm đi trên con đường mà các vị cách mạng tiền bối đã chọn…

Thế nhưng, không phải điều gì trên mạng xã hội cũng có thể đáng tin hết. Có rất nhiều điều chỉ là sự gán ghép vô tội vạ, thiếu trách nhiệm, thậm chí là có ác ý của ai đó, về một cá nhân nào đó. Hoặc có những điều bịa đặt, xuyên tạc với dụng ý chính trị rõ ràng hay đơn giản chỉ là một trò đùa của một người nào đó, mà ta đinh ninh là sự thật. Cách đây vài năm, mạng xã hội hay đưa ảnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy gắn với phát biểu gây sốc về tình hình biển Đông và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Từ thông tin này, nhiều người đã “cả tin” rồi có những bình luận ác ý nhắm vào đồng chí này cũng như các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc. Chính vì vậy, ngày 17-7-2017, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh đã đăng tải thông báo chính thức về vụ việc này; theo đó, “tỉnh Quảng Ninh khẳng định hình ảnh của bà Thủy bị gán với thông tin nhạy cảm là một sự bịa đặt hoàn toàn nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, uy tín của lãnh đạo tỉnh và gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia”[1].

Còn rất nhiều thông tin khác liên quan đến các vị lãnh tụ của Đảng, các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, về tình hình biển Đông, về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc… cũng thường có những thông tin sai lệch hoặc những gán ghép có ý đồ xấu, nếu người đọc không tỉnh táo, không thận trọng mà tin theo thì có khi rất tai hại, không chỉ cho bản thân mà còn cho nhiều người khác.

Không chia sẻ, trích dẫn khi không chắc chắn về độ chính xác

Mạng xã hội cho phép người dùng về cơ bản là tự do đăng tải, trích dẫn, chia sẻ rất nhiều loại thông tin, hình ảnh, tư liệu. Gần đây, một số dịch vụ mạng xã hội có tính năng “lọc”, là một hình thức kiểm duyệt, như Facebook sẽ hạn chế cho đăng những hình ảnh, video clip có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục (như khỏa thân, lộ các bộ phận nhạy cảm của cơ thể…) hay có tính chất bạo lực (cảnh đánh nhau, có đổ máu…). Thế nhưng, với các nội dung khác, các mạng xã hội gần như không kiểm duyệt và trên thực tế cũng không thể kiểm duyệt. Do đó, người sử dụng cần phải thận trọng với tất cả các thông tin, hình ảnh mà mình chia sẻ, trích dẫn, để tránh đưa những thông tin không chính xác hoặc vốn là thông tin có dụng ý xấu của ai đó.

Trong việc này, nên quan tâm mấy điều sau:

Thứ nhất, nên xem nguồn gốc của thông tin. Một cá nhân hoặc một fanpage, nhóm nào đó đưa một thông tin thì chúng ta nên xem nguồn thông tin đó từ đâu. Nếu người đưa thông tin không dẫn nguồn, ta có thể tự tìm nguồn bằng những “từ khóa” trong nội dung đó, bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài. Trong trường hợp không thể tìm được nguồn gốc, có thể tiếp tục áp dụng các lưu ý tiếp theo.

Thứ hai, tìm hiểu người đưa thông tin này. Lưu ý thực tế chỉ áp dụng được cho một số người sử dụng mạng xã hội đã thể hiện được quan điểm, chính kiến cụ thể (chẳng hạn, là người hay đưa các thông tin trái chiều hoặc là người vốn có thành kiến với chế độ…). Bởi có không ít trường hợp, người đưa thông tin đó vốn chỉ vì cả tin hoặc không đủ điều kiện để thẩm định thông tin chứ bản thân không có dụng ý xấu.

Thứ ba, tìm hiểu động cơ, mục đích của người đưa thông tin này. Nếu có cơ sở người đưa thông tin mang dụng ý xấu (thông qua lịch sử đăng tải hoặc có thêm các bình luận mang tính dẫn dắt) thì chúng ta nên tránh dẫn lại. Nếu không có căn cứ xác định được mục đích của họ thì bản thân ta cũng nên tự làm rõ, vậy mục đích của ta là gì khi đăng lại thông tin đó?

Thứ tư, thông tin đó có lợi cho ai. Có nhiều bài viết thể hiện tính vô thưởng vô phạt nhưng cũng có những đăng tải mang một dụng ý cụ thể nào đó, sẽ thúc đẩy sự nhìn nhận có lợi cho ai đó (như bênh vực hoặc đánh bóng tên tuổi ai đó, thế lực nào đó…). Vì vậy, phải xem xét thận trọng những loại thông tin như vậy.

Thứ năm, thái độ của người đăng tải. Bên cạnh những trường hợp tỏ rõ sự ủng hộ, tán thành ý kiến được chia sẻ thì cũng có những người ghi rõ “để đây và không nói gì” nhưng không vì thế mà ta không nhìn nhận được thái độ của họ, không chỉ từ nội dung được đăng tải mà còn các bình luận dưới đó hoặc thái độ đối với các bình luận đó. Nếu có thái độ tích cực thì hẳn nội dung được dẫn lại sẽ tích cực và thường có ý kiến “nói lại” hay có các biểu tượng (icon) với các bình luận mang một quan điểm, thái độ cụ thể. Ngoài ra, cũng nên xem lời lẽ của người đăng, như có nghiêm túc không, có thể hiện sự châm biếm, mỉa mai, giễu nhại hay phê phán không…

Nên nghĩ về hậu quả đối với bất kỳ hành vi nào

Một số người sử dụng mạng xã hội cho rằng “mình thích thì mình đăng thôi”, nhưng không phải trường hợp nào cũng có lợi hoặc đơn giản là vô hại. Khi nhiều người phản ứng về cách học tiếng Việt theo sách công nghệ giáo dục, trên mạng xã hội xuất hiện các clip chế giễu về các hình tròn, vuông, tam giác, thậm chí có một số bài hát mang tính châm biếm và một số người thấy vui nên chia sẻ về trang của mình. Điều này tưởng chừng không ảnh hưởng gì đến ai, nhưng kỳ thực nó phản ánh thái độ của người chia sẻ, có thể hiểu là không đồng tình hoặc phản đối cách dạy tiếng Việt đó. Nhưng trên thực tế, sự nhìn nhận của nhiều người là sai lầm, khi các hình tròn, vuông, tam giác không phải là sự biểu thị các từ của tiếng Việt mà đơn giản chỉ là các đơn vị để thể hiện ra từng tiếng khi phát âm. Thí dụ, từ “ba mẹ” được biểu thị bằng 2 hình (bất kỳ) thì có nghĩa là được phát âm ra 2 tiếng, mỗi tiếng tương ứng với một hình. Một trẻ học lớp 1 sẽ đếm các hình đó để biết rằng phát âm của từ “ba mẹ” có mấy tiếng. Vậy nên, khi một người chia sẻ các thông tin, các clip về vấn đề này thì vô tình hay cố ý truyền đi một thông điệp đến các bạn bè trong danh sách (friendlist) của mình rằng “đang có một sự việc như thế” và rằng “tôi có thái độ như thế”, giám tiếp thúc đẩy người khác có cùng quan điểm với mình. Trong trường hợp thông điệp đó là tích cực thì sẽ có tác động tích cực, nhưng nếu tiêu cực thì ảnh hưởng cũng sẽ tiêu cực.

Đôi lúc, có người chọn phương án là “để đây và không nói gì”, chẳng hạn đưa đường dẫn (link) của ai đó cho rằng một lãnh đạo Việt Nam bị đầu độc, về một người Việt Nam vi phạm trong nước trốn ra nước ngoài và bị bắt cóc đưa về nước xét xử…, hàm ý rằng “người ta nói vậy, chứ tôi không nói”. Thế nhưng, nếu người đưa thông tin đó là cán bộ, đảng viên thì thực sự bản thân muốn nói điều gì, muốn thể hiện quan điểm như thế nào qua việc chia sẻ này, chứ không thể nói đó là “đưa chơi chứ không có ý gì”. Bởi với những thông tin chưa được kiểm chứng, không xác định được đúng sai, mà dẫu có xác định được đúng sai, nhưng với trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng, với chế độ, việc đưa thông tin như vậy là không phù hợp, rất bất lợi về nhiều mặt. Do đó, mỗi status, mỗi bài viết được đăng công khai thì đều cần nghĩ đến hậu quả và tác động của nó.

Cần bày tỏ thái độ, quan điểm khi cần thiết

Các mạng xã hội đều cho phép bày tỏ thái độ đối với một status của người trong friendlist. Chẳng hạn, Facebook cho phép người xem có thể “thích”, “thả tim”, “ngạc nhiên”, “buồn”, “phẫn nộ”, cùng các chức năng bình luận, chia sẻ (tùy theo mức độ công khai của người đăng); Zalo thì cho phép “thả tim” cùng với chức năng bình luận (dù người xem chỉ thấy được bình luận của bạn chung)…

Khi tiếp xúc với một bài đăng mà bản thân thấy “có vấn đề” hoặc gây ra xúc cảm nào đó thì không nên lẳng lặng cho qua. Nếu các cán bộ, đảng viên có lẽ không nên chọn giải pháp lẳng lặng như thế, bởi trong một số trường hợp, “im lặng là đồng ý”. Các hình thức biểu thị thái độ tùy theo tính chất của vấn đề và mối quan hệ với chủ nhân thông tin đó có thể lựa chọn là:

- Trao đổi trong tin nhắn riêng về điều mà mình cho là chưa phù hợp. Thí dụ: một người đưa thông tin chưa được kiểm chứng về một nghi án, thì nên đưa thông tin có ý kiến khác, hoặc giải thích rằng sự việc chưa được xác minh thì không nên quy trách nhiệm cho cá nhân nào đó…

- Thể hiện ý kiến ngay bằng các bình luận dưới bài. Tất nhiên, các ý kiến nêu ra cần có sự xác thực và được thể hiện bằng thái độ phù hợp để bảo đảm tính thuyết phục, hợp lý. Với các những bài cần động viên, khích lệ, thì có thể dùng các biểu tượng “cảm ơn”, “tuyệt vời”… có sẵn nếu chúng ta không có điều kiện viết lời bình luận.

- Chia sẻ link (nếu có thể chia sẻ) hoặc dẫn lại thông tin từ trang của người đó và phản bác hoặc khen ngợi trên trang của chính mình. Tức lại, khi đó, chúng ta muốn biểu đạt: “tôi thấy anh/chị A. nêu vấn đề này ở link dưới đây, theo tôi là chưa đúng, với các căn cứ sau…”; hoặc “tôi thấy anh/chị A. nêu vấn đề ở link này, tôi thấy rất tuyệt vời nên chia sẻ lại ở đây”…

- Chép lại thông tin chưa phù hợp và “nói lại” về thông tin đó ở trang của mình. Bằng cách nào đó nên để người mà ta muốn “nói lại” đọc được ý kiến của mình, như gắn tên người đó vào, hoặc thông qua một người khác mà người đó có kết bạn…

- Riêng với các link bài trên một trang facebook của người khác, người phản đối hoặc muốn bạn mình đọc được thông tin đó có thể gắn tên (tag) người đó trong một bình luận. Chẳng hạn, trang facebook của anh A. có thông tin chưa phù hợp về vấn đề X., khi đọc trang faecbook của anh B. có nội dung “nói lại” phù hợp thì ta có thể bình luận ở trang B. và tag tên anh A. vào đó để A. có thể đọc được thông tin này và tự khắc biết rằng có người muốn mình hiểu vấn đề theo cách khác.

- Ngoài ra, có thể dùng các icon, sticker để biểu lộ thái độ. Chẳng hạn, đọc một link chia sẻ về một gương học tập và làm theo Bác Hồ xúc động, chúng ta có thể “thả tim”; đọc một chia sẻ về hành vi sai trái của một người nào đó, ta có thể dùng biểu tượng “phẫn nộ”…

Kỳ 3: Những cảnh báo cho cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội

Thời gian qua, đã có một số đảng viên bị kỷ luật do sử dụng mạng xã hội đăng tải những thông tin không phù hợp, vi phạm các quy định của Đảng. Đây thực sự là những lời cảnh báo, những bài học cảnh tỉnh cho những ai có nhận thức lệch lạc, sai lầm khi dùng mạng xã hội để đăng tải các thông tin, bài viết không đúng quy định của pháp luật, vi phạm kỷ luật của đảng viên.

Ngày 31/3/2020, Công an tỉnh Hà Giang cho biết đã làm việc với đối tượng S.T.M (40 tuổi, thường trú tại thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, Hà Giang) về việc đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến dịch COVID-19. Trước đó, S.T.M đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải với nội dung: “Tin tức thời sự 10 giờ 30 sáng: Hà Giang 6 ca mắc mới. Hà Giang ơi, cố lên”. Do S.T.M là công chức nên những thông tin đưa lên trên mạng đã nhận được nhiều phản hồi, lo ngại trong cộng đồng. Tại cơ quan Công an, S.T.M thừa nhận hành vi sai phạm của mình và đã gỡ thông tin đăng trên Facebook cá nhân. Xét tính chất, mức độ của vụ việc, Công an huyện Quản Bạ đã quyết định xử phạt S.TM 10 triệu đồng theo Nghị định 174/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngày 05/7/2023 đảng viên Nguyễn Mạnh Thường sinh năm 1960 thôn Lùng Sinh xã Việt đã đăng tin, bài sai sự thật, gây dư luận xấu về chủ trương chính sách của cấp ủy chính quyền huyện Vị Xuyên, xã Việt Lâm; ảnh hưởng đến uy tín của cấp ủy chính quyền huyện và xã Việt lâm, Ban Thường vụ xã Việt Lâm đang tiến hành kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm.

Xét về nhiều mặt, mạng xã hội mang tính cá nhân rất cao, bởi gần như hoàn toàn do cá nhân đăng tải những thông tin, hình ảnh theo ý chỉ chủ quan của mình, trừ một số ít trường hợp vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng” do những người thiết lập mạng xã hội đặt ra. Đó là, bản thân người dùng gần như có thể đăng (post) bất kỳ loại thông tin, hình ảnh gì, vào bất kỳ lúc nào, ở bất cứ đâu, dưới bất cứ hình thức gì… Lợi dụng điểm này, một số người, kể cả cán bộ, đảng viên, đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải những bài viết mang thông tin chưa được kiểm chứng, có nội dung công kích, xúc phạm người khác, vi phạm các quy định về bảo mật của cơ quan, đơn vị, không có lợi cho tổ chức của Đảng, của Nhà nước.

Trong một số trường hợp, nếu cá nhân không phải là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tức là về cơ bản không bị ràng buộc trách nhiệm do bản thân là thành viên của một tổ chức nào đó, thì điều này có thể ít được quan tâm, truy cứu, trừ trường hợp có thông tin, hình ảnh vi phạm pháp luật[2]. Nhưng với những người phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ công dân lẫn vai trò là thành viên của một cơ quan, tổ chức nào đó, bản thân họ phải luôn ý thức rằng bất kể điều gì mình đăng tải liệu có ảnh hưởng đến cá nhân nào không, tổ chức nào không, có lợi cho ai không, có hại cho ai không, có vi phạm các điều lệ hay quy định nào của tổ chức không… Không chỉ vậy, bản thân còn phải xác định rõ điều mình đăng có phù hợp không, thực sự có lợi chung hay không. Điều đó không phải chỉ là đòi hỏi về sự “nhạy cảm chính trị” mà trên hết là sự ứng xử một cách hợp lẽ với cơ quan, tổ chức mà bản thân đang trong hệ thống đó.

Tất cả những trường hợp đăng tải thông tin, hình ảnh có biểu hiện không lành mạnh có thể không cần phải bị ai đó khởi kiện vì vi phạm pháp luật, nhưng nếu tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan nhận thấy chưa phù hợp với tư cách của người đảng viên, đoàn viên, cán bộ công chức… thì có thể nhắc nhở, uốn nắn. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm của tổ chức, người lãnh đạo của cá nhân đó trong việc nhìn nhận, theo dõi diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý của mình. Chẳng hạn, khi có những bài viết hay chia sẻ đầu tiên chưa lành mạnh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng có thể gặp gỡ, tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Nếu vẫn chưa có chuyển biến tích cực thì cần đưa ra các sinh hoạt tập thể, như họp cơ quan, họp chi bộ, họp chi đoàn… để uốn nắn. Trường hợp cần thiết thì dùng tập thể để tác động, phê bình, vạch ra cái sai mà sửa chữa, khắc phục. Nếu vẫn không phục thiện thì phải cần đến nội quy của cơ quan, kỷ luật của tổ chức để xử lý. Trường hợp nghiêm trọng (như có thư tố cáo hoặc gây ra hậu quả lớn) thì phải truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự. Với một số đảng viên như đã nêu ở trên, sau nhiều lần giáo dục không thành công, biện pháp cuối cùng là phải đưa ra khỏi tổ chức, bởi sự suy thoái đã đến mức nghiêm trọng.

Như vậy, sẽ có người đặt câu hỏi: “Tôi đăng tải trên trang cá nhân của tôi những điều pháp luật không cấm, sao lại nói tôi vi phạm?”. Có thể trong nhiều trường hợp chưa có dấu hiệu cụ thể của vi phạm pháp luật và pháp luật cũng không có quy định cấm nhưng trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên là phải chấp hành nghiêm kỷ luật của cơ quan, của tổ chức, trong đó có tổ chức đảng, không phải chỉ làm những điều pháp luật không cấm mà buộc phải làm những điều pháp luật cho phép và không trái với các quy định của tổ chức mà mình là thành viên. Như trường hợp đưa văn bản nội bộ của cơ quan lên mạng xã hội rõ ràng là vi phạm nội quy cơ quan, hay đưa thông tin có tính chất suy diễn về các cán bộ, đảng viên khác khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì không thể nói là không có vi phạm về tư cách đảng viên…

Bài học cho cán bộ, đảng viên qua một số vụ việc liên quan đến mạng xã hội chính là phải giữ nghiêm kỷ luật, phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy cơ quan và các quy định của các tổ chức, đoàn thể mà bản thân là thành viên. Bản thân mỗi người phải luôn ý thức được rằng mình phải sử dụng mạng xã hội sao cho tích cực không chỉ bản thân mà còn cho người khác, cho tổ chức, cho xã hội. Tức là, bên cạnh sử dụng mạng xã hội đúng quy định của pháp luật còn phải thể hiện tính văn hóa, văn minh, tính kỷ luật, tính đảng. Đây phải là điều thường trực trong nhận thức!

Những người là cán bộ, đảng viên có quyền tham gia mạng xã hội nhưng cần tuân thủ nguyên tắc là mỗi người phải luôn nghiêm túc thực hiện điều lệ và quy định kỷ luật của Ðảng, của tổ chức mà mình là thành viên, đồng thời thể hiện là những công dân gương mẫu. “Tình trạng một số ít đảng viên bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt vì có biểu hiện tiêu cực trên mạng xã hội cho thấy đã trực tiếp vi phạm Quy định số 47-QÐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, xa rời yêu cầu về vai trò gương mẫu của đảng viên, với một số trường hợp là tiếp tay, phụ họa nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, thậm chí khơi mào quan điểm sai trái. Việc kiên quyết khi xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật Ðảng chính là góp phần để Ðảng ta thật sự vững vàng về chính trị và tư tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức và lối sống, chặt chẽ về tổ chức, bảo đảm sự lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân. Ðây cũng là bài học thiết thân với mọi đảng viên, nhắc nhở rằng dù hoạt động trong lĩnh vực xã hội và giữ cương vị xã hội nào, thì mỗi đảng viên vẫn phải tự ý thức về trách nhiệm trước Ðảng, trước nhân dân. Khi tham gia mạng xã hội, trước khi đưa ra ý kiến về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó, đảng viên cần có bản lĩnh, trí tuệ, thiện chí, tỉnh táo xem xét... không để bị cuốn theo cảm xúc của số đông, không phát ngôn cảm tính, không phán xét tùy tiện, không khơi mào ý kiến tiêu cực... Chỉ có như vậy, đảng viên mới có thể góp phần bảo vệ, giữ vững uy tín của Ðảng, bảo vệ và giữ vững uy tín của chính mình”[3].

Những cảnh báo này tuy không mới cũng cần được nhắc lại để mỗi cán bộ, đảng viên không được phép quên!

Họ và tên: HOÀNG THỊ HỢP

Năm sinh: 1989

Giới tính: Nữ

Dân tộc: Tày

Tôn giáo: Không

Nghề nghiệp: Công chức

Đơn vị công tác: UBND xã Bạch Ngọc

Địa chỉ liên hệ: Thôn Phai – xã Bạch Ngọc – huyện Vị Xuyên – tỉnh Hà Giang

Số điện thoại : 0977524032

 

[1] Đức Hiếu, Điều tra người đưa hình phó chủ tịch Quảng Ninh gắn phát ngôn sốc, Báo Tuổi trẻ online, ngày 17-7-2017

[2] Sáng ngày 13-5- 2022, N.V.Q - sinh năm 1988, trú tại thôn Tân Phong, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân là “Nguyễn Quyền” đăng tải thông tin sai sự thật, không có căn cứ rõ ràng làm ảnh hưởng đến uy tín UBND xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Với hành vi trên, ngày 19/5/2022 Công an huyện Vị Xuyên ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với người về hành vi “Cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân” theo điểm a, khoản 1, điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Mức xử phạt là 5.000.000 đồng.

- Nam thanh niên N.V.P (sinh năm 1991) trú tại xã Đường Hồng, huyện Bắc Mê đã bị phạt 10.000.000 VNĐ vì đưa, cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của lực lượng Công an huyện Bắc Mê.Trước đó, vào ngày 29/4/2022, N.V.P bị lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện tạm giữ 01 xe mô tô gắn máy khi đang điều khiển (xe không giấy tờ và không đội mũ bảo hiểm khi đang điều khiển xe). Đến hơn 12h00’ cùng ngày, N.V.P đã đăng tải 03 bài viết có nội dung sai sự thật, vu khống, xúc phạm lực lượng Công an xã Đường Hồng và Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an Bắc Mê lên trang Facebook cá nhân có tên: “Phia Nguyễn”.Ngày 10/5/2022, tại buổi làm việc với cơ quan Công an, N.V.P đã thừa nhận hành vi và nhận thức được hành vi vi phạm của mình. Công an huyện đã Căn cứ Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện và giao dịch điện tử ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với N.V.P bằng hình thức phạt tiền 10.000.000 VND (Mười triệu đồng chẵn).

[3] Quang Hà, Tỉnh táo khi tham gia mạng xã hội, Báo Nhân dân, ngày 31-5-2019

Hoàng Thị Hợp

Tin khác